Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Thơ Avicenna


Avicenna là tên tiếng Anh của Abū ‘Alī al-Ḥusayn ibn ‘Abd Allāh ibn Sīnā, hay gọi tắt là Abu Ali Sina hay Ibn Sina (980 - 1037) – học giả người Ba Tư. Ông là thầy thuốc và nhà triết học đầu tiên ở thời ấy. Ông cũng là nhà thiên văn học, hóa học, địa chất học, lôgic học, cổ sinh học, toán học, vật lý học, tâm lý học, khoa học, và nhà giáo, nhà thơ.

Tiểu sử:
Avicenna sinh năm 980 ở Afshana, gần Bukhara. Từ nhỏ đã nổi tiếng là một đứa bé thông minh khác thường. Mười tuổi đã thuộc lòng Koran. Sau đó được bố mẹ đưa vào học ở trường dòng Hồi giáo. Mặc dù là học trò nhỏ tuổi nhất nhưng chỉ sau một thời gian tất cả những người lớn tuổi hơn đều phải học hỏi ở cậu bé 12 tuổi này. Từ năm 14 tuổi Avicenna tự học. Năm 16 tuổi đã được quan đại thần Bukhara mời về chữa bệnh. Sau khi triều đại Samanid sụp đổ, Avicenna đến Urgench. Người dân ở miền Khwarezm gọi ông là đại danh y. Năm 1008 ông từ chối phục vụ vua Mahmud của Ghazni thì cuộc sống bình thường của ông bỗng trở thành những năm tháng phiêu bạt. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông được viết ra trong thời kỳ này.

Thời kỳ từ 1015 đến 1024 ông sống ở Hamadan vừa nghiên cứu khoa học cùng với tham gia nhiều công việc xã hội. Với việc chưa trị thành công cho quan đại thần Shams al Daula, ông được phong quan (tương đương với chức bộ trưởng ngày nay), tuy nhiên cũng bằng cách này ông có rất nhiều kẻ thù trong giới quan võ của triều đình. Shams al Daula từ chối treo cổ Avicenna theo yêu cầu của giới quan võ nhưng ông đành cho Avicenna đến sống ở vùng đất xa xôi, ngoài lãnh địa của mình. Sau một thời gian Shams al Daula lại lâm bệnh và Avicenna lại được người ta mời về cùng với việc trả lại chức quan trước đó. Sau khi Shams al Daula mất, Avicenna đến Isfahan và phục vua cho quan đại thần ở đây cho đến cuối đời. Trước khi chết ông yêu cầu thả tất cả những nô lệ của mình và đem tài sản phân phát cho người nghèo.

Avicenna là nhà bác học mong muốn bao quát tất cả mọi lĩnh vực của khoa học đương thời, nhà triết học có những ý tưởng sâu sắc và là một con người có trí nhớ hiếm hoi với mọi thời đại. Công trình nổi tiếng nhất của ông là The Book of Healing, một bách khoa toàn thư khoa học và triết học khổng lồ, và The Canon of Medicine, là bài viết y học chuẩn ở một số trường đại học thời Trung cổ. The Canon of Medicine được sử dụng làm giáo trình ở các trường đại học MontpellierLouvain vào cuối năm 1650. Ông phát triển hệ thống y tế kết hợp những kinh nghiệm của mình với y học Hồi giáo, hệ thống y học của các thầy thuốc Hy Lạp như Galen, siêu hình học Aristotle và Ba Tư cổ đại, Mesopotamia và Y học Ấn Độ. Ông cũng là người đặt nền tảng cho lôgíc Avicenna và chủ nghĩa Avicenna, chịu ảnh hưởng giữa những tư tưởng Hồi giáo và triết học kinh viện.

Thư mục:
*Avicenna (1999). The Canon of Medicine (al-Qānūn fī'l-ṭibb), vol. 1. Laleh Bakhtiar (ed.), Oskar Cameron Gruner (trans.), Mazhar H. Shah (trans.). Great Books of the Islamic World.
*Sirat al-shaykh al-ra’is (The Life of Ibn Sina), ed. and trans. WE. Gohlman, Albany, NY: State University of New York Press, 1974
*Al-Qanun fi’l-tibb (The Canon of Medicine), ed. I. a-Qashsh, Cairo, 1987. (Encyclopedia of medicine.)
*Risalah fi sirr al-qadar (Essay on the Secret of Destiny), trans. G. Hourani in Reason and Tradition in Islamic Ethics, Cambridge: Cambridge University Press, 1985
*Gardet L. La pense religieuse d Avicenne (Ibn Sina). Paris, 1951.
*Nasr S.H. Three Muslim Sages. Avicenna. — Suhrawardi — lbn Arabi. Cambridge (Mass.), 1964.
*Morewedge P. The metaphysica of Avicenna. London, 1973.
*
Ибн Сина. Канон врачебной науки. В 5 т. Ташкент, 1956-60.
*Ибн Сина. Послание о любви. Тбилиси: Мецниереба, 1976.
*Ибн Сина. Избранные философские произведения. М.: Наука, 1980.


Một số bài thơ:

***
Rót rượu ra cho dài thêm năm tháng
Rót rượu ra cho niềm vui bất tận.
Rượu là lửa, nhưng nỗi buồn trần gian
Rượu cuốn phăng, giống như là Nước sống.

***
Con tim khát khao đi hết con đường
Khát khao hiểu biết, nhìn vào bên trong.
Trí tuệ như nghìn mặt trời soi sáng
Nhưng đến cùng, không hiểu được như mong.

***
Rượu là bạn, nhưng có điều gian trá
Uống nhiều là thuốc độc, uống vừa – thuốc bổ.
Đừng tích gom nhiều chất độc cho mình
Uống vừa mức để kéo dài tuổi thọ.

***
Những gì giấu trong lời – tôi hiểu rõ
Và không khó nhận thức ra vũ trụ.
Nhưng liệu tôi có hiểu được chính mình?
Tôi hiểu rằng tất cả đều không rõ.

***
Mặt đất này giống như bàn cờ tướng
Bao con tốt trong bàn tay số phận.
Vua hay tôi đều về cõi hư vô
Ta ở mấy ngày rồi về xa vắng.

***
Rượu ghét người say, kết bạn cùng người tỉnh
Uống vừa phải – thuốc bổ, uống triền miên – thuốc đắng.
Ai uống triền miên – mang độc cho thân mình
Uống vừa phải để vinh danh nguồn nước sống.
  

**
Khi ta chết, từ lớn cho đến bé
Biết một điều rằng không biết gì cả.

**
Việc của y học là chăm lo sức khỏe
Tìm nguyên nhân bệnh và điều trị nó.

**
Từ cát bụi đất đến thiên thể trời
Tôi tìm ra bí mật của bao lời
Đã gỡ ra biết bao nhiêu đầu mối
Nhưng cái chết – tôi đành chịu bó tay.

**                                                  
Thiên hạ vốn quen giống như chó săn
Ngửi mùi lạ khi tìm thú trong rừng.
Giữ bí mật và ngồi yên một chỗ
Còn bỏ chạy – bạn sẽ thành tù nhân.

**
Nền tảng của tất cả ở hít vào thở ra
Nhưng cuộc đời này vốn rất đa dạng
Nền tảng không khí có là vĩnh viễn
Câu trả lời chỉ có ở đám ma.

**
Yêu thể dục để vui vẻ thường xuyên
Để sống trăm năm, mà có thể hơn.
Bất đắc dĩ mới phải dùng đến thuốc
Chỉ thiên nhiên mới là thuốc tuyệt trần.

**
Bạn qua đời, để lại bao cái xấu
Còn cầu nguyện để xin điều tha thứ
Đừng hy vọng gì, sẽ chẳng có đâu
Ai gieo gió ắt sau này gặt bão.

*** 
Tâm hồn, ngươi gắn liền với dục vọng và ước mong
Hãy biết sống vội vàng với từng khoảnh khắc
Đừng mua bán tình, đừng đòi hỏi giàu sang, thứ bậc
Ai không quí hạnh phúc thì bất hạnh đang gần.



VỀ MẠCH ĐẬP

Mạch của đàn ông trong suốt cuộc đời
Đập nhanh hơn và mạnh hơn phụ nữ
Mạch nhanh bước chạy trong thời trai trẻ
Và chậm hơn khi tuổi đã xế chiều.

Mạch trong mùa đông có phần tĩnh lặng
Và cân bằng trong buổi sáng mùa xuân.
Mạch của trẻ con có phần nhanh hơn
Và mỏng manh hơn so cùng người lớn.


VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA SAO VÀ MẶT TRỜI

Những ngôi sao hiện, lấp lánh trong màn sương
Ánh sáng của sao cảm thấy trên mặt đất.
Đôi khi hiện ra một ngôi sao ác
Thì con người lẫn thành phố tiêu tan.


VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA MÀU SẮC ĐẾN THỊ GIÁC

Với con mắt ta không gì tốt hơn
Là nhìn ánh sáng màu xanh và thẫm
Còn sáng rực rỡ màu vàng và trắng
Với con mắt – là có hại vô cùng.


VỀ TÍNH CÁCH

Tính cách đàn ông – khô khan, nóng nảy
Còn phụ nữ - ướt ẩm và lạnh lùng.
Ở những người nhìn thấy ven rõ ràng
Thì bản tính cởi mở và nóng nảy
Còn những người mạch ven không nhìn thấy
Thì tính cách người đó rất lạnh lùng.




Thơ Rubaiyat dân gian Ba Tư


RUBAIYAT DÂN GIAN BA TƯ

1.
Anh đến đây khi nhìn thấy trăng lên
Bên bờ rào em đợi một mình em
Bát nước đầy em trao anh hãy uống
Hết nước rồi anh hãy uống môi em.

2.
Trên thảo nguyên nghe tiếng sấm ầm ì
Trong vườn không còn tiếng hát hoạ mi.
Tình bắt đầu thật muôn hình muôn vẻ
Nhưng kết thúc thì chỉ có chia ly.

3.
Cô gái ngồi khóc trong một buổi chiều
Trong tim cô vừa sợ lại vừa yêu.
Chiều hôm đó tôi sang nhà an ủi:
Trời xui mình thân thiết, hãy nghe theo!

4.
Vườn hồng vẫn khoe sắc đẹp của mình
Còn em nhìn ra xa, không nhìn anh.
Anh chúc cho em với tình yêu mới
Với người tình và em hãy chúc anh!

5.
Giá mà quay lại thời gian hai mươi năm về trước
Về lại cái thời khi cuộc đời đang khó nhọc.
Chứ bây giờ bố em giàu có còn anh vẫn đang nghèo
Dù anh có hỏi bao nhiêu bố vẫn trả lời : “Không được!”

6.
Em có thể phụ tình, còn anh không thể.
Em có thể lại yêu, còn anh không thể.
Em có thể quên hết thảy mọi điều
Quên mãi mãi, muôn đời, còn anh không thể.

7.
Giá mà ta đã không sống gần nhau
Thì chắc gì ta đã nhận ra nhau.
Thì giờ đây ta đã không đau khổ
Thì giờ đây ta đã chẳng u sầu.

8.
Cuộc đời tôi bất hạnh, tôi biết làm sao?
Tôi một mình, em đâu đấy, tôi biết làm sao?
Tôi không cầu trời để được sống lâu trăm tuổi
Nhưng với cuộc đời ngắn ngủi, tôi biết làm sao?

9.
Anh đã mê dáng người em thanh thanh
Anh đã cuồng điên bởi ánh mắt nhìn.
Em đã bắn mũi tên vào trong ngực
Mũi tên này là số phận của anh.



10.
Mùa xuân đến rồi. Bao giờ em đến?
Thiếu em anh buồn. Bao giờ em đến?
Em hứa rằng khi tuyết bắt đầu rơi
Tuyết tan hết rồi. Bao giờ em đến?

11.
Giấc mơ ngọt ngào trong đêm đến rồi đi
Người đẹp dịu dàng trong mơ đến rồi đi
Và sáng ra người đẹp dịu dàng đến thật
Như trăng giữa trời người đẹp đến rồi đi.

12.
Đi cãi nhau với núi để làm gì?
Đi yêu người giàu có để làm chi?
Tôi đẫ yêu, điều gì tôi nhận được?
Sống làm chi, đau khổ để làm gì?

13.
Đêm dù đen nhưng mắt em đen hơn
Trăng dù sáng nhưng mặt em sáng hơn.
So hết thảy muôn loài trong vũ trụ
Chẳng có gì bằng sắc đẹp người thương.

14.
Chiếc khăn trên đầu em là quà tặng của tôi
Nhưng em chẳng yêu tôi, em yêu người khác rồi.
Thôi em ạ, hai ta đều không có lỗi
Tôi khổ đã đành, em cũng khổ như tôi.

15.
- Anh muốn hôn và muốn cắn đau em
Để về anh em không thể nào quên.
- Đừng lên má, kẻo mẹ em nhìn thấy
Tay em đây, áo che ánh mắt nhìn.

16.
Trăng lên cao, trăng sáng giữa trời xanh
Em ra khỏi nhà nhưng em chẳng đến anh
Em đi đâu, tìm ai? Anh chẳng biết
Nhưng bóng hình em vẫn ngự trị tim anh.

17.
Tình của em như sa mạc mênh mông
Anh lạc ở trong không tìm thấy đường
Tim đã trao nhưng nhận về không thể
Đổi cho anh trái tim của người thương.

18.
Chẳng có sông nào mà không có nước
Tình không đau chẳng thể nào có được.
Đau khổ muôn đời là bạn của tình yêu
Chỉ ai không yêu là người không nước mắt.

19.
Khi hình em xuất hiện trước mắt anh
“Nhắm mắt đi!” Anh tự nói với mình
Mắt đã nhắm nhưng mà không che nổi
Hình bóng em vẫn hiện trước mắt anh.
  

20.
Bím tóc em với anh là gông cùm
Hãy tháo giùm anh bằng những nụ hôn.
Chỉ vì em con tim anh gìn giữ
Thế cho người em có giữ tim không?

21.
Ánh mắt nhìn chẳng giấu nổi anh đâu
Rằng em yêu người khác đã từ lâu.
Em đã thề thủy chung rồi phụ bạc
Câu thề nguyền sao nỡ vội quên mau!

22.
Chàng trai ơi đừng đứng trước nhà em
Biết làm sao để con mắt không nhìn
Rồi bố biết, bố giấu em, bố cấm
Mẹ đánh em, bà nội cũng mắng em.

23.
Đến với anh, em sẽ là người tình
Anh là người mua sắc đẹp của em
Nhưng anh đang nghèo, hãy cho nợ nhé
Anh sẽ không quên lòng tốt của em.

24.
Tạm biệt em, tôi cất bước đường xa
Liệu hai ta còn gặp nữa bao giờ?
Nếu tôi không ra gì, xin lỗi nhé
Còn nếu là người tốt, nhớ tôi nghe!

25.
Liệu có thể chăng ta được trở thành:
Anh – nô lệ của em, em – của anh?
Em cứ nói rằng: “Vâng!”, anh sẽ đợi
Hạn bất kỳ, dù đợi đến trăm năm.

26.
Trong giấc mơ em thấy người yêu em
Khi tỉnh giấc thấy đau nhói trong tim.
Trong giấc mơ em với người hạnh phúc
Tỉnh giấc mơ em chỉ có một mình.

27.
Lòng em đau, nước mắt đã nhạt nhoà
Chẳng yêu ai, sắc đẹp cũng phôi pha.
Chỉ tại anh. Hãy nói vì sao vậy?
Sao thấy em nhưng anh chỉ đi qua?

28.
Em không ngủ, em không biết làm sao!
Con đường dài, em không biết làm sao!
Nhìn con đường, anh còn quay trở lại?
Thiếu anh rồi, em còn biết làm sao!

29.
Biết làm sao, tôi đau đớn vô cùng
Hai người con gái như hai ngọn trúc xinh.
Một người xa, còn một người gần lắm
Cả xa, gần lòng tôi vẫn đều mong.
  

30.
- Em yêu ơi sao trách cứ gì nhau
Thề có trời anh có trộm gì đâu.
- Anh yêu ạ, anh còn hơn kẻ trộm
Lấy tim em, anh có trả lại đâu.

31.
Anh chẳng cần gì, chỉ cần em
Chẳng có gì vui, nếu thiếu em
Anh chẳng cần dù đường hay mật
Mật đắng hơn thuốc, nếu thiếu em.

32.
Tình yêu ơi, nói cho tôi lần cuối
Tôi và em – ai là người có lỗi?
Tôi cứ buồn, cứ trông đợi về em
Xin hãy nói: em buồn về ai vậy?

33.
Đã từ lâu anh lạc giữa bờ mi
Của đôi mắt em quên hẳn lối về…
Tại đôi mắt, con tim không có lỗi
Sao ông trời bắt tội để làm chi?

34.
Ta cùng nhau đi nhớ lại những đêm
Những khi trăng thanh gió mát êm đềm…
Em còn trẻ những đêm trăng còn nữa
Chỉ anh già, anh sẽ chẳng còn em!

35.
Anh đi tìm em nhưng chẳng biết tìm đâu
Có lẽ em như nước, hay giống ngôi sao?
Nếu ngôi sao thì mây nào giấu được
Nếu như nước thì nước chảy về đâu?

36.
Tôi muốn nhắc đi, nhắc lại một điều:
Chẳng có ai yêu mà lại không đau
Tình yêu không khác gì manh áo hẹp
Khó cởi ra nhưng rất dễ mặc vào.

37.
Hoa thủy tiên: “Sắc đẹp ta người nhắc đến đã nhiều!”
Hoa tuy-líp: “Ta duyên dáng, yêu kiều bên suối reo!”
Hoa hồng đỏ: “Các người đều vớ vẩn
Ta là hoa biểu tượng của tình yêu!”




38.
Cỏ ba lá: “Ta cháy trên cỏ xanh!”
Tuy-líp: “Còn ta bên suối, bên ghềnh!”
Hoa hồng đỏ: “Các người đều vớ vẩn
Ta trên tóc, trên ngực của người tình!”

39.
Cô gái ơi, anh chết mê chết mệt
Ánh mắt em như mùa đông, ngực em như tuyết
Đôi môi anh nóng bừng, anh làm tuyết em tan
Mà tuyết tan thì mùa đông cũng hết.

40.
Cành lá xoè, tỏa rộng giữa vườn xanh
Chim hoạ mi say sưa hót về tình
Rồi lặng im, chim bay về sau núi
Chỉ còn nỗi đau ngự giữa lòng anh.

41.
Quê tôi người ta bán lựu, bán cam
Người ta đem tình yêu bán lấy vàng.
Anh và em dù yêu nhau tha thiết
Mẹ cha em bán cho kẻ giàu sang.

42.
Em xinh hơn trúc, em của anh!
Em đẹp hơn hoa, em của anh!
Em chợt hiện rồi biến mất ngay đấy
Chỉ nỗi buồn còn lại, em của anh!



Thơ Javad Nurbakhsh


Javad Nurbakhsh (10 tháng 12 năm 1926 – 10 tháng 10 năm 2008) – là nhà thơ của giáo phái Sufism, nhà tư tưởng người Iran, tác giả của hàng chục cuốn sách về Sufism. Ông cũng là một bác sĩ tâm thần và một nhà văn nổi tiếng thế giới trong các lĩnh vực tâm thần học và thần bí Sufi.

Tiểu sử:
Javad Nurbakhsh sinh ở thành phố Kerman, Iran. Học ngành y ở Đại học Tehran, nhận bằng bác sĩ năm 1952. Năm 1962 được mời làm nghiên cứu sinh ở Đại Sorbonne, Paris, Pháp. Sau khi trở về Tehran, ông là giáo sư, trưởng khoa tâm thần của Đại học Tehran. Khi cuộc cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran (1978 – 1979) ông sang Anh sống lưu vong cho đến hết đời.

Ngoài công việc chuyên môn, ông là một giáo chủ Sufi có uy tín. Trước khi ra sống ở nước ngoài ông đã thành lập 70 Trung tâm Sufi ở hầu hết các thành phố lớn của Iran. Trung tâm Sufi đầu tiên ở nước ngoài được thành lập tại San Francisco năm 1975. Kể từ đó rất nhiều Trung tâm khác được thành lập ở châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Phi và Nga nhằm tập hợp những tín đồ của Sufism khắp nơi trên thế giới.

Javad Nurbakhsh mất ngày 10 tháng 10 năm 2008 tại Oxford, Anh. Người thừa kế chức vụ giáo chủ Sufi là con trai ông.

Thư mục chính:
*In the Paradise of the Sufis, Khaniqah Nimatullahi Publications, London (1979)
*Divani Nurbakhsh, Sufi Poetry, Khaniqah Nimatullahi Publications, London (1980)
*The Truths of Love: Sufi Poetry, Khaniqah Nimatullahi Publications, London (1982)
*Jesus in the Eyes of the Sufis, Khaniqah Nimatullahi Publications, London (1983)
*Sufi Women, Khaniqah Nimatullahi Publications, London (1983)
*Dogs from a Sufi Point of View, Khaniqah Nimatullahi Publications, London (1992)
*In the Tavern of Ruin, Khaniqah Nimatullahi Publications, London (1992)
*The Psychology of Sufism, Khaniqah Nimatullahi Publications, London (1992)




Một vài bài thơ:

QUI LUẬT TÌNH YÊU

Qui luật tình yêu giản đơn và ngắn gọn
Bởi tình là một tam đoạn thức đa âm.
Phán xét của lý trí – hời hợt và nông cạn
Không đủ sức tìm ra bí ẩn của tình.

Tình gắn liền với tồn tại và ý thức
Biến cái dở dang thành cái tuyệt vời
Và nếu ngươi ước mong tìm hạnh phúc
Có khả năng tìm mới xứng với tình thôi.

Đi vào tình yêu như vào đại dương không đáy
Từ giã bờ, đốt cháy những cây cầu.
Nhưng bỗng nhiên ngươi muốn quay trở lại
Đừng dối mình – ngươi chưa phải người yêu.

Hãy quên mình, trao thân cho dục vọng
Hãy để cho khoái cảm dẫn lên đường.
Tìm người yêu dấu nếu như ngươi muốn
Thì sẽ tìm ra, sẽ được yêu thương.

Ánh sáng hoà nhập làm cho mù quáng
Không phân biệt ra hình dáng, vẻ ngoài
Nhưng với người đang yêu thì tiêu chuẩn
Sống với người tình là hạnh phúc thôi.

Rượu tình yêu làm say và đốt cháy
Với người tình rượu là sự lãng quên
Đời thiếu rượu là đời vô nghĩa vậy
Uống rượu vào cho tình được cháy lên.
  

LẮNG NGHE TIẾNG SÁO

Hãy lắng nghe huyền bí của tình yêu
Qua tiếng sáo trúc dìu dặt khoan thai.

Hãy lắng nghe, lời sáo trúc đang kể
Câu chuyện tình dịu êm mà nghiệt ngã.

Câu chuyện này là khúc hát của cây
Cây dịu dàng và khao khát, mê say.

Cả không gian và thời gian trong đó
Hy vọng, lòng tin, điên cuồng, nhục nhã,

Tiếng nhạc sinh ra qua hơi thở đầy
Của người nghệ sĩ thổi vào ống cây.

Người thổi sáo với tâm hồn nghệ sĩ
Thổi hồn mình vào khúc ca diệu nghệ.

Người nghệ sĩ cho giai điệu ngọt ngào
Trả tất cả về lại điểm khởi đầu.

Tiếng nhạc du dương, dịu êm, say đắm
Qua lời sáo Đấng Tối Cao hiển hiện…

Cây thiếu người thổi là cây vô hồn
Tiếng ngân của cây nhạt nhẽo, tầm thường.



VỀ TÌNH YÊU

Tình yêu là vị tư lệnh của linh hồn Thống nhất. Khi tình dựng chiếc lều của mình ở trong tim thì xua đuổi những người chủ của dục vọng, đam mê và trung tâm của linh hồn thú vật (Nafs).

Tình yêu là sức hút của thần linh. Khi tình tìm được con đường vào trái tim thì tình làm hao mòn cội nguồn tồn tại của con người này, gắn kết con tim với Hiện thực khách quan Tuyệt đối.

Tình là một trận cuồng phong đột ngột thổi đến từ miền Duy nhất tới, quét sạch những bụi bặm trong tim và gieo sự đa dạng rồi mang nó đi vào miền Duy nhất.

Tình chỉ hiện ra trong con tim nào xứng đáng nhận được. Con tim xứng đáng được nhận tình khi nó bằng nỗ nực tinh thần vượt qua hàng rào cản trở của linh hồn thú vật.

Ai muốn có tình yêu thì cần phải quét sạch ra khỏi con tim mình những ham muốn và dục vọng để tình yêu có thể đáp trả lời hiệu triệu của con tim.

Sự chuẩn bị cho con tim đến với tình là chức năng của con đường nhận thức (Tariqa); sở hữu tình yêu là thực tại của sự giác ngộ (Haqiqa).

Con tim mà không có tình yêu thì không phải là tim; tình yêu không bén rễ trong bất kỳ con tim nào mà nó gặp.

Quả thực, tình yêu cần đến với con người, tình là không thể học. Con tim, tuy nhiên, có thể tiếp nhận tình yêu nếu như nó được làm sạch khỏi bùn dơ của linh hồn thú vật. Tình có thể đi vào con tim đã được làm sạch chứ không phải con tim thả mình cho mong muốn và dục vọng. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng tình yêu là thứ tình cảm đến đột ngột, bất ngờ, mặc dù nó chỉ đến với người đã có sự sẵn sàng.

Một người có thể suốt đời đấu tranh với linh hồn thú vật nhưng không thể tìm thấy tình yêu. Mặt khác, ai là người đã cháy hết, có thể trong một đêm nào đó buông ra tiếng thở dài, và tình yêu mang người đó đi theo. Dù sao, điều quan trọng ở đây là không phải mọi người đuổi theo con mồi sẽ bắt được nó. Nhưng người bắt được nó chỉ có thể là người đã đuổi theo.

Đối với tình yêu cần một con tim chân thành và một tâm hồn của người yêu dấu được giải thoát khỏi tất cả mọi sự quyến luyến.

Hãy làm cho thực tại bên ngoài cũng như bên trong của bạn được thống nhất bởi sức mạnh của sự chân thành và sự tận tâm, để tình yêu có thể đi vào con tim bạn và dẫn bạn đi về miền Duy nhất.

Một khi bạn còn ở trong sự trói buộc của cái tôi, bạn chưa phải là Sufi, vì rằng tình yêu không có thứ gì chung với linh hồn thú vật.

Con tim là khu vực có hai xu hướng – Thống nhất và đa dạng. Khi con tim được làm sạch khỏi sự han gỉ của đa dạng thì Mặt trời của tình yêu buộc nó tỏa ánh sáng của sự Thống nhất.

Tình yêu là thuật giả kim của Thực tại. Con người phải hy sinh cái tôi của mình để có được kho báu của cuộc sống đời đời.


Thơ Khaqani


Khaqani hoặc Afzaladdin Khaqani (tên đầy đủ: Afzaladdin Badil ibn Ali Nadjar, 1121/1122 – 1190) – nhà thơ Ba Tư, được coi là một trong những nhà triết học, nhà thơ lớn của Phương Đông Hồi giáo. 

Tiểu sử:
Khaqani sinh ở Meglem gần Shamakhi, thủ phủ của xứ Shirvanshah (nay là một phần lãnh thổ của Azerbajan). Tên Khaqani thường được người ta thêm vào từ “Badil” (nghĩa là “người thừa kế”), vì họ coi Khaqani là người thừa kế của nhà thơ cổ điển Ba Tư Sanai. Bố mất khi còn nhỏ nên Khaqani được người chú Kafi-eddin Umar Shervani, là người thông thạo thiên văn học, y học và triết học dạy dỗ. Ngoài việc hành nghề chữa bệnh, Kafi-eddin Umar rất chăm lo cho việc học hành của đứa cháu. Khaqani được dạy đầy đủ các môn học phổ biến của thời đó như thần học, ngôn ngữ, toán học và thiên văn sau khi đã được luyện viết chữ Ả Rập và môn đọc kinh Koran. Ngoài ra Khaqani còn được con trai của chú, là một người thông thạo nhiều môn khoa học và âm nhạc giúp đỡ, nhất là trong việc học nhạc. Sau đó, Khaqani được học tiếp ở trường dòng và trở thành một người có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.

Sau khi người chú mất, Khaqani được nhà thơ Abul Ala, đồng thời là một viên quan trong triều đỡ đầu. Abul Ala sớm phát hiện tài năng thơ ca của Khaqani và đã đề nghị tiếp nhận Khaqani làm nhà thơ của triều đình. Có giả thiết cho là Abul Ala đã gả con gái của mình cho Khaqani, tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Azerbajan đã bác bỏ giả thiết này.

Về đời tư, Khaqani cưới vợ ba lần. Người vợ thứ nhất sống với ông 25 năm và có với nhau 4 đứa con. Sau khi người vợ đầu mất, Khaqani lấy vợ lần hai và người này lại cũng chết sớm. Chỉ đến người vợ thứ ba mới sống được với ông hết đời. Những bài thơ Khaqani khóc người vợ đầu được coi là những khúc bi ca mẫu mực của văn học Ba Tư. Các nhà nghiên cứu cho rằng những bài thơ về đề tài này chưa có ai vượt qua, kể từ Firdawsi.

Khaqani mất ở Terbiz, Iran. Ông để lại một di sản thơ ca đồ sộ bằng tiếng Ba Tư và tiếng Ả Rập mà một số rất ít các bài thơ của ông đã được dịch ra tiếng Việt.

Thư mục:
*Jan Rypka, History of Iranian Literature. Reidel Publishing Company. 1968
*Anna Livia Beelaert, "Khaqani Sherwani" in Encyclopædia Iranica
*Hammer J. von, Geschichte der schönen Redekünste Persiens, W., 1818;
*Minorsky V., Khāqānī and Andronicus Comnenus. Reprinted from the BSOAS, 1945.
*Залеман К., Четверостишия Хагани, СПБ, 1875;
*Бертельс Е., Очерк истории перс. лит-ры, Л., 1928. 



Một vài bài thơ:

Ghazal:

***
Tình đến đây, tình làm nên số phận
Anh gặp em là cuộc đời vô tận.

***
Em là nỗi đau, em là thuốc chữa lành
Em là niềm hy vọng, nỗi sợ hãi của anh.

***
Tình là hoa, khi tình xa, tôi cứ ngỡ
Tình đến gần, tôi thấy trong tay tình ngọn lửa.

***
Đô
i mắt tội nghiệp của anh một lần thấy em
Một khoảnh khắc thần tiên mang đến tai hoạ hàng nghìn.

***
Cả đời đi tìm em với con tim đã vỡ
Nhưng chẳng thấy gì, dù chỉ lời nguyền rủa.

***
Nhưng anh hạnh phúc nhìn thấy em từ xa
Duyên kiếp anh là vậy, làm sao được bây giờ?

***
Nhưng con tim không cho anh rời khỏi cửa
Mà bắt anh thốt lên lời từ lâu ấp .



Rubaiyat:

***
Hôm nay em làm khách của hồn anh
Trong cung điện của tim, em ngự trên ngai vàng
Anh sẽ chết vì em. Em làm anh đau khổ
Và chỉ em chữa được nó cho anh.

***
Đừng rót rượu cho ta nữa. Bởi vì
Con tim đã vỡ, đôi mắt đã mờ
Dù bạn rót bao nhiêu đều uổng phí
Rượu làm sao trị được nỗi buồn ta.

***
Ta biết làm gì với chiếc chén vàng?
Cho ta chén đất! Đất thân thuộc hơn.
Đến một ngày ta chưa thành đất cát
Hãy để ta mang chén đất theo mình.

***
Tôi bây giờ xua đuổi những đam mê
Nói với tim những đau đớn ê chề.
Yêu mặt trời con bướm đâu còn dám
Khi không còn thắng nổi ngọn nến kia?!

***
Thôi hết rồi, thời tuổi trẻ qua nhanh
Giờ ngày tháng chỉ là những nỗi buồn
Ta vùi trong những dòng văn mộ chí
Đau buồn theo tang lễ những người thân.



Lời hay ý đẹp:

*Nếu bạn muốn trái tim của mình sạch như một tấm gương, hãy quét sạch ra khỏi trái tim mười thứ: tham lam, dối trá, keo kiệt, bất chính, vu khống, ác ý, ghen tỵ, kiêu ngạo, đạo đức giả, hay trả thù.

*Dù trang phục mà bạn mặc trên người có bao nhiêu màu sắc đi nữa thì tâm hồn bạn chỉ cần một màu.

*Giống như vương miện, không nhô lên cao, giống như đôi giày, không ưa ngưỡng cửa. Hãy nhớ, không cần làm quân vương hay quân tốt, không đứng số một, không đứng cuối cùng. Không cần làm quân vương để đi nói về quyền lực, không cần làm quân tốt để làm kẻ dọn đường cho người khác.

*Tính hào hiệp, khảng khái của người quân tử cũng giống như mặt trời, nơi ở của người là mọi vương quốc nhưng không phụ thuộc vào những nơi này.


Thơ Rudaki


Abu Abdullah Jafar ibn Mohammad ibn Hakim ibn Abdurrahman ibn Adam Rudaki Samarghandi (ngắn gọn bằng tiếng Anh: Rudaki; 858 – 941) – nhà thơ Ba Tư, người được coi là ông tổ của thơ ca Ba Tư, người sáng lập nền văn học Ba Tư – Tajikistan.

  Tiểu sử:
Rudaki sinh năm 858 ở Rudak (Panjrud), nay là Tajikistan. Theo truyền thuyết là bị mù ngay từ lúc sinh nhưng thiên bẩm là thông minh lại được học ở trường dòng Hồi giáo nên từ nhỏ đã rất giỏi tiếng Ả Rập và thuộc Kinh Koran. Nổi tiếng là một nhạc công lẫn nhà thơ, suốt 40 năm liền đứng đầu nhóm nhà thơ của triều đình Bukhara, đạt đến đỉnh cao của danh vọng cũng như tiền bạc nhưng mấy năm cuối đời phải sống trong cảnh lưu đày và chết trong cảnh nghèo túng.

Di sản thơ ca của Rudaki, theo một truyền thuyết là gồm 130 nghìn bài thơ, một giả thuyết khác thì cho là 1300 bài, tuy vậy hiện nay người ta biết được khoảng 1000 bài thơ của ông gồm các thể loại qasida, ghazal và rubai. Thơ ông thể hiện lòng tin vào sức mạnh của trí tuệ con người, khuyên người đời sống đạo đức và, tất nhiên, một mảng đề tài hưởng thụ cuộc sống. Tượng của ông được dựng ở nhiều nơi và tên ông được đặt cho một số con đường ở Tajikistan. 

Thư mục:
*E.G. Browne. Literary History of Persia. (Four volumes, 2,256 pages, and twenty-five years in the writing). 1998
*Jan Rypka, History of Iranian Literature. Reidel Publishing Company. 1968 
*Бертельс Е. Э., История персидско-таджикской литературы, М., 1960
*Мирзоев А. М., Рудаки. Жизнь и творчество, пер. с тадж., М., 1968
*Тагирджанов А. Т., Рудаки. Жизнь и творчество. История изучения, Т., 1968





Một số bài thơ

***

Hãy vui vẻ với người đẹp của mình
Cuộc đời này như dòng nước trôi nhanh
Quên quá khứ, hãy sống bằng hiện tại
Sống và vui với cuộc sống trào dâng.
Tôi và em trong khu vườn ngát hương
Như với tiên mắt biếc ở thiên đường.

***

Tất cả chúa tể trần gian đều chết, chỉ còn nắm đất
Họ cúi đầu trước cái chết để đi về với vĩnh hằng
Từng dành nghìn kho báu, từng hưởng mọi vinh quang
Nhưng ngày cuối chỉ còn áo quan. Biết làm sao được.

***

Ta đều phù vân. Cõi đời này là vậy
Ta là chim sẻ, còn cái chết là chim ưng đang đợi
Sớm hay muộn – mọi bông hoa đều tàn
Cái chết lau sạch trơn giống như bàn chải.


***

Biết kìm nén dục vọng của mình – mới là người cao thượng
Không xúc phạm những kẻ đui què – mới là người cao thượng
Kẻ hèn kém là kẻ xô ngã người già yếu bên đường
Còn anh đỡ người đứng lên – mới là người cao thượng. 

***
Đền Kaaba của anh em biến thành nhà thờ Thiên Chúa giáo
Em tước hết bạn bè của anh làm gì, anh không hiểu
Còn sau một nghìn lần cúi xuống bên thần tượng của mình
Tình yêu biến anh trở thành người không ngoan đạo*.
______________
*Bài thơ này viết về người yêu của nhà thơ là người con gái theo đạo Thiên Chúa.

*** 
Khuôn mặt em sáng sủa như ngày trở về từ cõi chết
Mái tóc đen như đêm của những kẻ không biết cứu rỗi là gì
Ta yêu em, ta là người đầu tiên trong số những kẻ yêu nhau
Bởi em là người đẹp nhất trong số biết bao nhiêu người đẹp
Kaaba là niềm tự hào của người Hồi, sông Nile là con Ai Cập
Nhà thờ là niềm tự hào của người Công giáo – giáo lý khác nhau.
Còn ta tự hào về đôi mắt sáng ngời dưới tấm màn che đen màu
Mỗi khi nhìn thấy đôi mắt này – với ta là niềm hạnh phúc.

*** 
Bạn hãy vui với người tình mắt đen
Cuộc đời này chỉ là giấc mơ suông.

Với niềm vui chờ đợi ngày sẽ tới
Và chớ buồn về những ngày đã trải.

Tôi và người tình yêu dấu của tôi
Chúng tôi hạnh phúc và chỉ hai người. 

Hạnh phúc những ai biết cho và nhận
Và bất hạnh cho những ai hờ hững.

Thế giới này chỉ là khói mà thôi
Vậy thì ta hãy uống rượu và vui!


*** 
Những lọn tóc xoăn màu đen như nhựa
Dịu dàng hơn những bông hồng thắm đỏ.
Mỗi nút thắt chứa cả ngàn trái tim
Mỗi lọn tóc chứa cả ngàn nỗi niềm.

*** 
Em lấy mùi hương và màu sắc từ hoa hồng đỏ
Mùi hương cho mái tóc, màu hồng cho đôi má.
Nơi em rửa mặt nước sẽ chuyển sang màu hồng
Và mùi hương ngạt ngào từ mái tóc em buông.

*** 
Nếu tôi suy sụp, đam mê bị giết bởi cơn thịnh nộ
Và tiếng kêu cho tình không bay ra từ đôi môi hé mở
Thì em hãy ngồi lên tấm thảm và nói với một nụ cười:
“Kẻ đáng thương đã chết, không chịu nổi sự bất bình của tôi!”

*** 
Tâm hồn tôi đau vì chia ly, tôi khao khát đợi chờ vô vọng
Nhưng từ người yêu, là niềm vui, khổ đau người chấp nhận.
Tôi nhớ đến người hằng đêm và nói: Ôi Thượng Đế tối cao!
Giờ trong cảnh biệt ly với nàng thì ngày gặp lại sẽ thế nào?

***
Ta yêu em, tâm trí của ta đang bị em nghiền nát
Hãy một lần làm cho Rudaki vui, em hãy mở lòng.
Chẳng lẽ khó khăn khi mở tấm khăn che mặt và hôn
Em hãy ban cho ta dù chỉ là phút giây hạnh phúc
Điều dễ dàng với ta – thì với em xem ra khó nhọc
Điều khó nhọc với ta – là niềm vui trống rỗng của em.

***
Em không là con linh dương: rơi vào bẫy của tôi như em muốn
Em đừng tìm kiếm sự giải thoát, em đừng tìm cách bỏ trốn.

*** 
Tôi hướng về người yêu dấu ngọt ngào
Như dòng nước chảy xuống từ trên cao.

***
Em bên anh nhưng anh sợ rằng: em đi làm anh khổ
Ngày anh tính từng giờ, đêm anh tính từng ngôi sao nhỏ.


***
Em không yêu nhưng mong đợi tình anh
Em tìm sự thật nhưng gian dối – tự mình.

***

Chỉ người say tình yêu biết được thế nào là men rượu
Nhưng sao em làm anh khổ thế này, anh không thể hiểu.

***

Hạnh phúc thay cả người nhận, kẻ cho
Bất hạnh thay cho những kẻ hững hờ.

***

Nụ hôn của tình yêu tựa hồ như nước biển
Càng uống vào càng khát thêm, càng muốn uống.

***

Ngày mùa xuân ngát hương và màu xanh
Nhưng đêm đẹp hơn khi có em bên anh.