Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Thơ Mirza Shafi Vazeh


Mirza Shafi Vazeh (1794–1852) – nhà thơ Azerbaijan và Ba Tư. Ông sáng tác bằng cả tiếng Azerbaijan và tiếng Ba Tư.

Mirza Shafi sinh năm 1784 ở Ganja (nay là thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan). Ông nội của nhà thơ, Muhammed Shafi là một nhà quí tộc danh tiếng và cha ông, Kerbelayi Sadykh là một kiến trúc sư trong triều vua Javad Khan, người cai trị cuối cùng của xứ Ganija (từ năm 1804 bị sáp nhập vào Đế chế Nga). Hồi nhỏ Mirza Shafi học ở trường dòng madrassa, nơi ông học triết học kinh viện (Scholasticus), tiếng Ả rập, tiếng Ba Tư và nghệ thuật thư pháp. Việc học của Mirza Shafi bị gián đoạn kể từ khi cha mẹ và anh trai mất và do việc chống lại sự lạc hậu và thiếu hiểu biết của các giáo sĩ tôn giáo. Ông bắt đầu làm việc như một nhà thư pháp, sử dụng kỹ năng viết tay đặc biệt của mình để ghi những cuốn sách và sau đó làm thư ký cho Pusta Khanum, con gái của Javad Khan.

Năm 1840 Mirza Shafi chuyển đến Tiflis (nay là Tbilisi – thủ đô của Gruzia). Ở đây ông bắt đầu dạy các thứ tiếng Ả rập, Ba Tư và nghệ thuật thư pháp. Năm 1844 ông thành lập Hội văn học “Divan-I Hikmet”, nơi có nhiều người Azerbaijan, người Nga và những người nước ngoài khác sống ở Tiflis tham gia. Trong số những người này có Friedrich Martin von Bodenstedt, là một khách du lịch và là nhà thơ Đức, người trở thành bạn và học trò của Mirza Shafi. F. Von Bodenstedt được Mirza Shafi dạy tiếng Azerbaijan, tiếng Ba Tư và tặng nhiều tập thơ của mình. Khi trở về Đức F. Von Bodenstedt cho xuất bản cuốn “Nghìn lẻ một ngày ở Phương Đông” (Tausend und ein Tag im Orient), một phần của cuốn sách này viết về Mirza Shafi Vazeh. Năm 1851 ông in cuốn “Những khúc ca của Mirza Shafi” (Die Lieder des Mirza Schaffy). Cuốn sách này trở nên nổi tiếng khắp châu Âu, được tái bản nhiều lần và được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ châu Âu khác. Tuy nhiên, hai mươi năm sau, khi Mirza Shafi đã trở thành người thiên cổ, F. von Bodenstedt đã phủ nhận vai trò của tác giả, tuyên bố rằng trước đây ông lấy cái tên Mirza Shafi chỉ là vì mục đích câu khách, chứ thực ra đó là sáng tác của ông. Thực hư thế nào vẫn chưa có câu trả lời chính xác, nhưng có một thực tế là xưa nay có không ít các nhà thơ, dịch giả phương Tây vẫn lấy nguyên liệu và cảm hứng từ các nhà thơ Phương Đông rồi dịch mô phỏng và đã tạo ra không ít những kiệt tác của văn học thế giới.

Mirza Shafi Vazeh mất ở Tiflis (Tbilisi). Tượng của ông được dựng ở mộ của ông ở Tiflis và nhiều nơi ở thành phố quê hương ông.



Một số bài thơ:

***
Cần phải sống ra sao: hạnh phúc hay trung thực?
Nhưng giữa hạnh phúc và lòng tốt là một vực sâu
Chỉ một số ít trong chúng ta tìm được cây cầu
Số còn lại đành ngậm ngùi chết trong miệng vực.

***

Cái Thiện ban đầu hiện rõ trên khuôn mặt
Và cái Ác cũng hiện trên khuôn mặt rõ ràng
Nhưng mà ta vẫn hiểu biết về nhau quá ít
Bởi không phải ai cũng xác định được rõ rành.

***
Nếu như bạn thông minh, hãy đến với người ngu
Nếu như bạn sáng mắt, hãy đến với người mù
Vì người mù không đến được với người mắt sáng
Còn với người thông minh – không tự đến người ngu.

***

Mỗi chúng ta đều có niềm vui của mình
Dù là bé tẻo tèo teo hoặc to lớn vô cùng
Ngay cả người biết rằng: hạnh phúc không hề có
Vẫn tìm ra hạnh phúc ở chốn trần gian.

***

Mọi thứ trên đời này: may mắn hay tai họa
Tất cả đều nhận lấy, dù kẻ khóc người cười
Và nếu hạnh phúc cho mình, bạn lấy về không thể
Thì chẳng ai mang cho bạn – cả vua chúa, cả ông trời.

***

Hãy hát lên, cho có vẻ như ngày
Rất xa xôi, cái chết sờ lên má
Nhưng hãy sống, hãy yêu, như có vẻ
Cái chết đã về bên cửa hôm nay.

***
— Biết sống sao đây, để không làm điều xấu
Để không làm cho ai phải khổ, phải buồn?
— Hãy luôn đối xử với người ta cho có vẻ
Như bạn muốn người ta đối xử với mình.

***

Nhà thông thái ưa những cái rõ ràng
Người dũng cảm ưa những gì nguy hiểm
Người đau khổ yêu những gì đau thương
Yêu những gì phía trước – là người hy vọng.
Một số người cho cuộc đời vô thường
Số khác cho rằng cuộc đời bất biến
Cứ nghe theo người ta và hãy nhớ rằng:
Họ đều đúng, nhưng không hoàn toàn đúng.

***

Một kẻ ngu, dù hiểu mọi chuyện tỏ tường
Đã từng nói rằng cuộc đời này là bể khổ
Và tất cả người ngu đều lặp lại điều trên
Mà những người này đều có con cháu của mình
Và cuộc đời trở thành nguyền rủa cho tất cả
Rồi họ chết không phải vì khổ mà vì buồn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét