Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Thơ Khaqani


Khaqani hoặc Afzaladdin Khaqani (tên đầy đủ: Afzaladdin Badil ibn Ali Nadjar, 1121/1122 – 1190) – nhà thơ Ba Tư, được coi là một trong những nhà triết học, nhà thơ lớn của Phương Đông Hồi giáo. 

Tiểu sử:
Khaqani sinh ở Meglem gần Shamakhi, thủ phủ của xứ Shirvanshah (nay là một phần lãnh thổ của Azerbajan). Tên Khaqani thường được người ta thêm vào từ “Badil” (nghĩa là “người thừa kế”), vì họ coi Khaqani là người thừa kế của nhà thơ cổ điển Ba Tư Sanai. Bố mất khi còn nhỏ nên Khaqani được người chú Kafi-eddin Umar Shervani, là người thông thạo thiên văn học, y học và triết học dạy dỗ. Ngoài việc hành nghề chữa bệnh, Kafi-eddin Umar rất chăm lo cho việc học hành của đứa cháu. Khaqani được dạy đầy đủ các môn học phổ biến của thời đó như thần học, ngôn ngữ, toán học và thiên văn sau khi đã được luyện viết chữ Ả Rập và môn đọc kinh Koran. Ngoài ra Khaqani còn được con trai của chú, là một người thông thạo nhiều môn khoa học và âm nhạc giúp đỡ, nhất là trong việc học nhạc. Sau đó, Khaqani được học tiếp ở trường dòng và trở thành một người có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.

Sau khi người chú mất, Khaqani được nhà thơ Abul Ala, đồng thời là một viên quan trong triều đỡ đầu. Abul Ala sớm phát hiện tài năng thơ ca của Khaqani và đã đề nghị tiếp nhận Khaqani làm nhà thơ của triều đình. Có giả thiết cho là Abul Ala đã gả con gái của mình cho Khaqani, tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Azerbajan đã bác bỏ giả thiết này.

Về đời tư, Khaqani cưới vợ ba lần. Người vợ thứ nhất sống với ông 25 năm và có với nhau 4 đứa con. Sau khi người vợ đầu mất, Khaqani lấy vợ lần hai và người này lại cũng chết sớm. Chỉ đến người vợ thứ ba mới sống được với ông hết đời. Những bài thơ Khaqani khóc người vợ đầu được coi là những khúc bi ca mẫu mực của văn học Ba Tư. Các nhà nghiên cứu cho rằng những bài thơ về đề tài này chưa có ai vượt qua, kể từ Firdawsi.

Khaqani mất ở Terbiz, Iran. Ông để lại một di sản thơ ca đồ sộ bằng tiếng Ba Tư và tiếng Ả Rập mà một số rất ít các bài thơ của ông đã được dịch ra tiếng Việt.

Thư mục:
*Jan Rypka, History of Iranian Literature. Reidel Publishing Company. 1968
*Anna Livia Beelaert, "Khaqani Sherwani" in Encyclopædia Iranica
*Hammer J. von, Geschichte der schönen Redekünste Persiens, W., 1818;
*Minorsky V., Khāqānī and Andronicus Comnenus. Reprinted from the BSOAS, 1945.
*Залеман К., Четверостишия Хагани, СПБ, 1875;
*Бертельс Е., Очерк истории перс. лит-ры, Л., 1928. 



Một vài bài thơ:

Ghazal:

***
Tình đến đây, tình làm nên số phận
Anh gặp em là cuộc đời vô tận.

***
Em là nỗi đau, em là thuốc chữa lành
Em là niềm hy vọng, nỗi sợ hãi của anh.

***
Tình là hoa, khi tình xa, tôi cứ ngỡ
Tình đến gần, tôi thấy trong tay tình ngọn lửa.

***
Đô
i mắt tội nghiệp của anh một lần thấy em
Một khoảnh khắc thần tiên mang đến tai hoạ hàng nghìn.

***
Cả đời đi tìm em với con tim đã vỡ
Nhưng chẳng thấy gì, dù chỉ lời nguyền rủa.

***
Nhưng anh hạnh phúc nhìn thấy em từ xa
Duyên kiếp anh là vậy, làm sao được bây giờ?

***
Nhưng con tim không cho anh rời khỏi cửa
Mà bắt anh thốt lên lời từ lâu ấp .



Rubaiyat:

***
Hôm nay em làm khách của hồn anh
Trong cung điện của tim, em ngự trên ngai vàng
Anh sẽ chết vì em. Em làm anh đau khổ
Và chỉ em chữa được nó cho anh.

***
Đừng rót rượu cho ta nữa. Bởi vì
Con tim đã vỡ, đôi mắt đã mờ
Dù bạn rót bao nhiêu đều uổng phí
Rượu làm sao trị được nỗi buồn ta.

***
Ta biết làm gì với chiếc chén vàng?
Cho ta chén đất! Đất thân thuộc hơn.
Đến một ngày ta chưa thành đất cát
Hãy để ta mang chén đất theo mình.

***
Tôi bây giờ xua đuổi những đam mê
Nói với tim những đau đớn ê chề.
Yêu mặt trời con bướm đâu còn dám
Khi không còn thắng nổi ngọn nến kia?!

***
Thôi hết rồi, thời tuổi trẻ qua nhanh
Giờ ngày tháng chỉ là những nỗi buồn
Ta vùi trong những dòng văn mộ chí
Đau buồn theo tang lễ những người thân.



Lời hay ý đẹp:

*Nếu bạn muốn trái tim của mình sạch như một tấm gương, hãy quét sạch ra khỏi trái tim mười thứ: tham lam, dối trá, keo kiệt, bất chính, vu khống, ác ý, ghen tỵ, kiêu ngạo, đạo đức giả, hay trả thù.

*Dù trang phục mà bạn mặc trên người có bao nhiêu màu sắc đi nữa thì tâm hồn bạn chỉ cần một màu.

*Giống như vương miện, không nhô lên cao, giống như đôi giày, không ưa ngưỡng cửa. Hãy nhớ, không cần làm quân vương hay quân tốt, không đứng số một, không đứng cuối cùng. Không cần làm quân vương để đi nói về quyền lực, không cần làm quân tốt để làm kẻ dọn đường cho người khác.

*Tính hào hiệp, khảng khái của người quân tử cũng giống như mặt trời, nơi ở của người là mọi vương quốc nhưng không phụ thuộc vào những nơi này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét