Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Thơ Fużūlī


Fużūlī (hoặc Fuduli, sống khoảng 1483 - 1556) – là bút danh của nhà thơ, nhà tư tưởng Ottoman, Muhammad bin Suleyman. Fużūlī là người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn học Azerbaijan và văn học Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những người đầu tiên dùng thể loại dîvân – tuyển tập trong văn học Ottoman, ông sáng tác bằng các thư tiếng: Azerbaijan, Ba Tư và Ả Rập. 

Tiểu sử:
Fużūlī – Suleyman sinh ở Karbala, miền nam Iraq. Ngày sinh chính xác không xác định được, chỉ có những giả thiết trong khoảng từ 1480 đến 1498. Bố mẹ của Fużūlī – Suleyman làm nghề gì cũng không được xác định, tuy nhiên, xét theo những điều kiện mà Fużūlī – Suleyman có được trong cuộc sống thời trẻ cũng như sự giáo dục đến nơi đến chốn thì gia đình phải rất có điều kiện về kinh tế. Fużūlī học y học, thiên văn, lô gíc, toán và triết học Phương Đông, triết học Hy Lạp cổ đại ở Baghdad. Ông biết nhiều tác phẩm của Aristotle, Platon cũng như thơ ca của Nezami, Hasimi. Ông dạy học ở trường dòng thành phố Najaf nhưng sau đó đã xin nghỉ vì không thích hợp với công việc này. Một thời gian cuộc sống vật chất gặp nhiều khó khăn, vua Selim I cấp cho ông một khoản lương hưu đủ sống. Ông mất năm 1556 trong một trận dịch tả.

Fużūlī sáng tác tất cả 16 tác phẩm bằng các thứ tiếng: Azerbaijan, Ba Tư và Ả Rập. Có thể gọi Fużūlī là nhà thơ trữ tình, phần lớn thơ của ông sáng tác bằng thể thơ ghazal, một số ít bằng thể rubai. Trong nhiều tác phẩm, ông phê phán các chức sắc tôn giáo trong việc áp bức, bóc lột dân chúng, tố cáo những thói hư tật xấu như ăn đút lót của các tầng lớp quan lại, tác phẩm tiêu biểu nhất về đề tài này là: Şikâyetnâme (شکايت نامه; "Complaint"- Những lời than phiền). Một số tác phẩm tiêu biểu khác của ông: Dîvân ("Collected Poems" – Tuyển tập thơ), Beng ü Bâde (بنگ و باده; "Hashish and Wine" – Thuốc phiện và rượu), Sehhat o Ma'ruz (صحت و معروض; "Health and Sickness" – Sức khỏe và bệnh tật), Rend va Zâhed (رند و زاهد; "Hedonist and Ascetic" – Khoái lạc và khổ hạnh)…

Tác phẩm quan trọng nhất của ông: Dâstân-ı Leylî vü Mecnûn (داستان ليلى و مجنون; “The Epic of Layla and Majnun” – Câu chuyện Layla và chàng thi sĩ điên) được viết bằng tiếng Azerbaijan. Fużūlī dùng cốt truyện của câu chuyện tình Ả Rập sáng tạo nên một tuyệt tác được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao hơn hẳn những tác phẩm về đề tài này trước đó, trở thành một biểu tượng về sự đau khổ, về thân phận của người phụ nữ Phương Đông.

Tác phẩm:

Tiếng Azerbaijan Turkish:
*Dîvân ("Collected Poems")
*Beng ü Bâde (بنگ و باده; "Hashish and Wine")
*Hadîkat üs-Süedâ (حديقت السعداء; "Garden of Pleasures")
*Dâstân-ı Leylî vü Mecnûn (داستان ليلى و مجنون; "The Epic of Layla and Majnun")
*Risâle-i Muammeyât (رسال ﻤﻌﻤيات; "Treatise on Riddles")
*Şikâyetnâme (شکايت نامه; "Complaint")

Tiếng Ba Tư:
*Dîvân ("Collected Poems")
*Anîs ol-qalb (انیس القلب; "Friend of the Heart")
*Haft Jâm (هفت جام; "Seven Goblets")
*Rend va Zâhed (رند و زاهد; "Hedonist and Ascetic")
*Resâle-e Muammeyât (رسال ﻤﻌﻤيات; "Treatise on Riddles")
*Sehhat o Ma'ruz (صحت و معروض; "Health and Sickness")

Tiếng Ả Rập:
*Dîvân ("Collected Poems")
*Matla' ul-İ'tiqâd (مطلع الاﻋﺘﻘﺎد; "The Birth of Faith")



Một số bài rubai đã dịch ra tiếng Việt:

***
Điều gì dẫn ta đến mục đích ở đời này? – tình yêu!
Thiên thần nào đưa ta lên chiều cao tột đỉnh? – tình yêu!
Tình là viên ngọc quí giữa muôn ngọc châu lấp lánh
Điều gì mang cho ta những giấc mộng đắm say? – tình yêu!

***
Ta từ lâu quen uống rượu ở đời
Càng sống lâu càng thờ phụng rượu thôi
Ta uống rượu còn nhà ngươi – cầu nguyện
Chẳng biết rằng ai sống phải hơn ai.

***
Người khổ hạnh tránh xa rượu – sai lầm
Dù đồng ý hay không – đều sai lầm
Ta uống rượu và thường say không biết
Nghĩa là ta đâu có lỗi – sai lầm!

***
Người trách ta vì uống rượu hở người chính đạo
Người nguyền rủa tình yêu của ta hở người chính đạo
Bỏ rượu và bạn gái để đổi lấy thiên đường
Ở đó có gì thay thế được không hở người chính đạo?

***
Majnun chết vì tình, cháy rụi
Vamika chết trong hồ lạnh lẽo
Farhad theo ngọn gió lìa đời
Tất cả là cát bụi, đời ta là cát bụi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét