Abū Hamid bin Abū Bakr Ibrahim, thường được biết đến bằng bút danh Farid
ud-Dīn và Aṭṭār (sống khoảng 1145 – 1230) – nhà thơ Hồi giáo, lý thuyết
gia của Sufi giáo, người đã có ảnh hưởng to lớn và lâu dài đối với thơ Ba Tư và
Sufi giáo.
Tiểu sử:
Nguồn về ngày sinh, ngày mất của Aṭṭār rất
khác nhau và không được chứng minh.
Theo một số nguồn tin, Attar sinh năm
1119, năm mất thì chưa biết.
Các nguồn khác trích dẫn là ngày sinh ở
nửa sau thế kỷ XII, và năm mất là 1230.
Nhóm nguồn tin thứ ba cho rằng Attar sinh
năm 1145 hoặc 1146 tại Nishapur, và cái chết liên quan đến vụ thảm sát xảy ra
tại Nishapur sau khi quân Mông Cổ của Đà Lôi chiếm năm 1221.
Attar là con của một chủ hiệu thuốc. Thời
bố còn sống ông được đi chu du nhiều nơi, sang cả Ấn Độ và Ai Cập. Sau khi bố
mất ông thừa kế hiệu thuốc và tiếp tục công việc trước đây của bố mình. Nhiều
tác phẩm của ông được sáng tác ở trong hiệu thuốc. Sau một thời gian ông từ bỏ
cửa hàng thuốc của mình và đi du lịch khắp nơi – ông đến Baghdad, Basra, Kufa,
Mecca, Medina, Damascus, Khwarizm, Turkistan và Ấn Độ, gặp gỡ với giáo chủ Sufi
giáo rồi trở về thúc đẩy ý tưởng Sufi.
Attar mất trong vụ thảm sát xảy ra tại
Nishapur như đã nói. Ngày nay lăng mộ của ông nằm ở Nishapur. Lăng mộ này do
Ali-Shir Nava'i xây dựng trong thế kỷ 16 và sau này được trùng tu mới toàn bộ
vào năm 1940.
Tác phẩm:
Di sản thơ ca của Attar rất đồ sộ. Ông đã
viết hàng chục trường ca và nhiều thơ trữ tình, tập hợp thành quyển “Divan”.
Dưới đây sẽ nêu một số nét chính về tác phẩm quan trọng nhất của Attar – đó là
tác phẩm Tiếng chim. Trong nhiều ngôn ngữ khác nhau và nhiều bản dịch
khác nhau tác phẩm này được dịch là Tiếng chim (hoặc Ngôn ngữ của
chim - Language of the birds), Hội nghị
của chim (The Conference of the Birds) vv…
Tiếng chim (tiếng Ba Tư: منطق
الطیر) là một thiên sử thi triết học Sufi gồm hơn 4500 dòng.
Theo nội dung của câu chuyện thì những con
chim tổ chức một cuộc họp mà tại đó chúng phải quyết định ai sẽ là vua của
chúng. Sau những tranh cãi, chim đầu rìu đề nghị đi tìm chim Simorgh huyền
thoại để trao cho nó danh hiệu này. Chim đầu rìu được coi là một trong số chim
khôn ngoan nhất của loài chim, đứng đầu một nhóm gồm ba mươi chim, mỗi con
trong số đó tượng trưng cho các tật xấu có thể ngăn cản con người đạt đến giác
ngộ. Để đi tìm nơi ở của Simorgh phải vượt qua bảy thung lũng. Đó là:
1-Thung lũng Tìm kiếm
2- Thung lũng Tình yêu
3-Thung lũng Nhận thức
4- Thung lũng Thờ ơ
5- Thung lũng Thống nhất
6- Thung lũng Bối rối
7- Thung lũng Chối bỏ
Tên của thiên sử thi dựa vào trò chơi chữ
“Simorgh”, là tên của con chim huyền thoại trong cổ tích Iran, có nghĩa là “ba
mươi con chim”. Thiên sử thi hình thành từ một số lượng lớn những câu chuyện
ngắn có tính giáo dục và tính biểu tượng sâu sắc: hình ảnh của từng con chim là
hiện thân của một tật xấu của con người (chẳng hạn như chim sơn ca đồng nghĩa
với niềm đam mê tình ái, con vẹt - với các tìm kiếm đài phun bất tử thay vì tìm
cách nhận biết Thượng đế, con công - với việc thờ cúng ma quỷ…vv). Bảy thung
lũng mà những con chim phải băng qua có liên quan với bảy giác quan mà một
người, theo học thuyết của Sufi giáo, phải vượt qua để hiểu rõ bản chất thật
của Thượng đế. Phần kết của thiên sử thi cũng được liên kết với học thuyết của
Sufi giáo: Thượng đế, theo Sufi giáo, không tồn tại trong một thực thể bên
ngoài nào hoặc riêng biệt với hoàn vũ, mà được thể hiện trong tổng thể của tất
cả những gì tồn tại.
Thiên sử thi kết thúc với thực tế rằng
trong số vô vàn các loài chim chỉ có 30 con đến được xứ sở đời đời. Chúng thấy
một hồ nước lớn, nhìn vào nước hồ, chim thấy trong đó sự phản chiếu của mình và
nhận ra rằng chúng là những Simorgh.
Một số lời hay ý đẹp:
**
Hãy tỏ lòng tốt với người bị phụ thuộc vào
anh.
**
Luôn luôn theo sự lười biếng
Là sự sỉ nhục đi kèm.
**
Biết kính trọng người già khi còn trẻ
Là kính trọng chính mình khi bóng xế.
**
Tình của người đang yêu là lửa, trí tuệ -
là khói
Khi tình yêu đến thì trí tuệ từ giã người
tình.
**
Trí tuệ vô minh trong những việc tình yêu
Tình và trí tuệ không tồn tại cùng nhau.
**
Lửa thù hận, này con
Dập tắt khi còn nhỏ
Khi trời chưa cho nó
Đám cháy to chưa thành.
**
Với những người đang sống quanh chúng ta
Họ vốn những kẻ cứng đầu cứng cổ
Nếu họ không thích cách sống của ta
Thì ta cần phải thích nghi theo họ
Rồi chế ngự cái dở của người ta.
**
Không cần che giấu bệnh tật của mình
Với hai người: bác sĩ và người bạn.
**
Cái thế giới mà ta đang sống đó
Giống như là quán rượu buổi hoàng hôn
Nhưng ánh sáng của tri thức trong nó
Có thể xua tan bóng tối màn đêm.
**
Điều nghe có vẻ vô lý, nhưng nó không phải vậy, còn tốt hơn
sự thiếu hiểu biết của người đã nghĩ rằng nó là vô lý.
Mirza Shafi Vazeh (1794–1852) – nhà thơ Azerbaijan và Ba Tư. Ông
sáng tác bằng cả tiếng Azerbaijan và tiếng Ba Tư.
Mirza Shafi sinh năm
1784 ở Ganja (nay là thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan). Ông nội của nhà
thơ, Muhammed Shafi là một nhà quí tộc danh tiếng và cha ông, Kerbelayi Sadykh
là một kiến trúc sư trong triều vua Javad Khan, người cai trị cuối cùng của xứ
Ganija (từ năm 1804 bị sáp nhập vào Đế chế Nga). Hồi nhỏ Mirza Shafi học ở
trường dòng madrassa, nơi ông học triết học kinh viện (Scholasticus), tiếng Ả
rập, tiếng Ba Tư và nghệ thuật thư pháp. Việc học của Mirza Shafi bị gián đoạn
kể từ khi cha mẹ và anh trai mất và do việc chống lại sự lạc hậu và thiếu hiểu
biết của các giáo sĩ tôn giáo. Ông bắt đầu làm việc như một nhà thư pháp, sử
dụng kỹ năng viết tay đặc biệt của mình để ghi những cuốn sách và sau đó làm
thư ký cho Pusta Khanum, con gái của Javad Khan.
Năm 1840 Mirza Shafi
chuyển đến Tiflis (nay là Tbilisi – thủ đô của Gruzia). Ở đây ông bắt đầu dạy
các thứ tiếng Ả rập, Ba Tư và nghệ thuật thư pháp. Năm 1844 ông thành lập Hội
văn học “Divan-I Hikmet”, nơi có nhiều người Azerbaijan, người Nga và những
người nước ngoài khác sống ở Tiflis tham gia. Trong số những người này có Friedrich Martin von
Bodenstedt, là một khách du lịch và là nhà
thơ Đức, người trở thành bạn và học trò của Mirza Shafi. F. Von Bodenstedt được Mirza Shafi dạy tiếng Azerbaijan, tiếng Ba
Tư và tặng nhiều tập thơ của mình. Khi trở về Đức F. Von Bodenstedt cho xuất bản cuốn “Nghìn lẻ một ngày ở Phương Đông” (Tausend und ein Tag im Orient), một phần của
cuốn sách này viết về Mirza Shafi Vazeh. Năm 1851 ông in cuốn “Những
khúc ca của Mirza Shafi” (Die Lieder des Mirza Schaffy). Cuốn sách
này trở nên nổi tiếng khắp châu Âu, được tái bản nhiều lần và được dịch ra rất
nhiều ngôn ngữ châu Âu khác. Tuy nhiên, hai mươi năm sau, khi Mirza
Shafi đã trở thành người thiên cổ, F. von Bodenstedt đã
phủ nhận vai trò của tác giả, tuyên bố rằng trước đây ông lấy cái tên Mirza
Shafi chỉ là vì mục đích câu khách, chứ thực ra đó là sáng tác của ông. Thực hư
thế nào vẫn chưa có câu trả lời chính xác, nhưng có một thực tế là xưa nay có
không ít các nhà thơ, dịch giả phương Tây vẫn lấy nguyên liệu và cảm hứng từ
các nhà thơ Phương Đông rồi dịch mô phỏng và đã tạo ra không ít những kiệt tác
của văn học thế giới.
Mirza Shafi Vazeh mất
ở Tiflis (Tbilisi). Tượng của ông được dựng ở mộ của ông ở Tiflis và nhiều nơi
ở thành phố quê hương ông.
Một số bài thơ:
***
Cần phải sống ra sao: hạnh phúc hay trung thực?
Nhưng giữa hạnh phúc và lòng tốt là một vực sâu
Chỉ một số ít trong chúng ta tìm được cây cầu
Số còn lại đành ngậm ngùi chết trong miệng vực. *** Cái Thiện ban đầu hiện rõ trên khuôn mặt Và cái Ác cũng hiện trên khuôn mặt rõ ràng Nhưng mà ta vẫn hiểu biết về nhau quá ít Bởi không phải ai cũng xác định được rõ rành. *** Nếu như bạn thông minh, hãy đến với người ngu Nếu như bạn sáng mắt, hãy đến với người mù Vì người mù không đến được với người mắt sáng Còn với người thông minh – không tự đến người ngu. *** Mỗi chúng ta đều có niềm vui của mình Dù là bé tẻo tèo teo hoặc to lớn vô cùng Ngay cả người biết rằng: hạnh phúc không hề có Vẫn tìm ra hạnh phúc ở chốn trần gian. *** Mọi thứ trên đời này: may mắn hay tai họa Tất cả đều nhận lấy, dù kẻ khóc người cười Và nếu hạnh phúc cho mình, bạn lấy về không thể Thì chẳng ai mang cho bạn – cả vua chúa, cả ông trời. *** Hãy hát lên, cho có vẻ như ngày Rất xa xôi, cái chết sờ lên má Nhưng hãy sống, hãy yêu, như có vẻ Cái chết đã về bên cửa hôm nay. *** — Biết sống sao đây, để không làm điều xấu Để không làm cho ai phải khổ, phải buồn? — Hãy luôn đối xử với người ta cho có vẻ Như bạn muốn người ta đối xử với mình. *** Nhà thông thái ưa những cái rõ ràng Người dũng cảm ưa những gì nguy hiểm Người đau khổ yêu những gì đau thương Yêu những gì phía trước – là người hy vọng. Một số người cho cuộc đời vô thường Số khác cho rằng cuộc đời bất biến Cứ nghe theo người ta và hãy nhớ rằng: Họ đều đúng, nhưng không hoàn toàn đúng. *** Một kẻ ngu, dù hiểu mọi chuyện tỏ tường Đã từng nói rằng cuộc đời này là bể khổ Và tất cả người ngu đều lặp lại điều trên Mà những người này đều có con cháu của mình Và cuộc đời trở thành nguyền rủa cho tất cả Rồi họ chết không phải vì khổ mà vì buồn.
Trong các nhà thơ cổ phương Đông nổi tiếng thế giới Omar Khayyam chiếm vị trí số 1. Hàng triệu quyển thơ ông được in ra đều đặn từ hơn 100 năm nay cho đến bây giờ vẫn thế.
Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam được dịch ra tất cả các ngôn ngữ châu Âu. Còn châu Á, theo tư liệu chưa đầy đủ, ngoài các ngôn ngữ trong thế giới Hồi giáo, đã có bản tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Hindi, tiếng Uốc-đu…
Thơ Khayyam về ý nghĩa cuộc đời người, về sự bất lực của con người trước số phận và thời gian, về những sung sướng và đau khổ của kiếp người, về tuổi trẻ và tình yêu, tuổi già và cái chết, về những lời khuyên răn mà trong đó mỗi người có thể tìm thấy cho mình một điều gì thầm kín chưa từng được nói ra – tất cả đã trở thành tài sản tinh thần của toàn nhân loại.
* * * Omar Khayyam sinh năm 1048 tại thành phố Nisapur, tỉnh Khorasan, miền đông bắc Iran. Nisapur, theo lời của các nhà sử học, là thành phố lớn, trung tâm văn hoá, thương mại của Ba Tư thế kỷ thứ 11. Khayyam bắt đầu đi học ở trường dòng Nisapur, sau đó tiếp tục tại Balkh và Samarkand, trở thành nhà bác học nổi tiếng thời đó. Khayyam được người đời gọi là nhà bác học, người chứng minh chân lý, ông hoàng triết học Đông-Tây…
Sự nghiệp khoa học của Khayyam có một thời kỳ gần 20 năm phát triển rực rỡ. Đó là kể từ năm 1074 Khayyam được vua Malik-Shah mời về triều đình theo lời đề nghị của quan đại thần Nizam al Mulk. Khayyam được giao lãnh đạo đài thiên văn mới xây dựng hiện đại, nơi mà theo lời các nhà sử học “tập trung những nhà thiên văn giỏi nhất thế kỷ” và được giao nhiệm vụ lập ra lịch mới.
Ở Iran và Trung Á trong thế kỷ 11 tồn tại đồng thời hai hệ thống lịch: dương lịch từ thời Bái hỏa giáo và âm lịch được người Arập phổ biến cùng với Islam. Cả hai lịch trên đều có những nhược điểm. Dương lịch Bái hỏa giáo một năm có 365 ngày, việc điều chỉnh chỉ được thực hiện một lần trong vòng 120 năm khi mà sai số đã lên đến một tháng. Âm lịch Hồi giáo có 358 ngày không thuận tiện cho việc nông nghiệp.
Trong vòng 5 năm tiến hành nghiên cứu ở đài thiên văn cùng với một nhóm các nhà thiên văn học Khayyam đã lập ra lịch mới mang tên “Niên đại Malik-Shah”. Lịch do Omar Khayyam lập ra có độ chính xác cao hơn lịch Gregorian, nơi mà sai số trong một năm là 26 giây. Theo tính toán của các nhà khoa học thế kỷ 20 lịch của Khayyam chính xác hơn lịch Gregorian 7 giây. Chỉ tiếc rằng “Niên đại Malik-Shah” đã không bao giờ được áp dụng vào thực tế.
Cũng trong thời kỳ này Khayyam viết nhiều công trình toán học. Các tác phẩm về toán học của ông bị thất lạc nhiều và chỉ đến thế kỷ 19 mới được các nhà khoa học châu Âu phát hiện và đánh giá. Chính Omar Khayyam là người đầu tiên nêu lên mối liên hệ giữa đại số và hình học. Trong một công trình toán học của ông các nhà khoa học tìm thấy cốt lõi của Nhị thức Newton.
Ngoài toán học, thiên văn học trong thời kỳ ở thủ đô Esfahan Khayyam còn nghiên cứu các vấn đề triết học. Ông dịch triết học của Avicenna (Ibn-Sina) từ tiếng Arập sang tiếng Ba Tư và viết 5 tác phẩm triết học còn được lưu giữ đến ngày nay. Sau khi vua Malik-Shak bị đầu độc và Nizam al Mulk bị giết hại trong triều đình bắt đầu một thời kỳ hỗn độn. Cuộc đời của Omar Khayyam bắt đầu một thời kỳ phiêu bạt. Gần cuối đời ông trở về quê hương Nisapur sống bằng nghề dạy học. Năm mất của Khayyam được xác định là 1123. Theo một giả thuyết khác là năm 1131.
Omar Khayyam nổi tiếng khắp thế giới là một nhà thơ thế nhưng trên quê hương của mình ông chỉ được biết đến là nhà triết học, nhà toán học, thiên văn học. Khayyam trở thành nhà thơ nổi tiếng thế giới là do công của Edward Fitzgerald khi ông in bản dịch “Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam” vào năm 1859. Fitzgerald là người mở đầu trong việc phát hiện Omar Khayyam và sau đấy các nhà khoa học khắp thế giới bắt tay vào việc nghiên cứu Omar Khayyam, mở ra một môn khoa học nghiên cứu gọi là Khayyam học. Trong số những nhà nghiên cứu đi đầu và có những công trình đáng kể nhất về Omar Khayyam có thể kể đến: Nicolas của Pháp, Arberry của Anh, Zhukovsky của Nga, Christensen của Đan mạch, Govinda Tirtha của Ân Độ…
Omar Khayyam chỉ làm thơ theo thể rubai (trong văn học Ba Tư thế kỉ 11 còn có Baba Taher cũng là người chỉ làm thơ rubai, tuy vậy, rubai của Baba Taher khác với rubai của Khayyam về hình thức cũng như về phong cách). Thơ rubai được gieo vần theo sơ đồ aaba (một ít bài aaaa) là thể thơ có nguồn gốc dân gian Ba Tư. * * *
Tư tưởng chủ đạo trong thơ của Omar Khayyam là đề cao nhân phẩm con người, khẳng định rằng mỗi con người sống trên đời có quyền được hưởng những lạc thú của đời sống ở chốn trần gian. Chỉ với điều này cho phép chúng ta gọi ông là một nhà nhân văn vĩ đại của quá khứ.
Omar Khayyam cho rằng cuộc đời người là vốn quí, mỗi người cần được nhận về phần hạnh phúc của mình. Hạnh phúc không phải ở chốn thiên đàng hay nơi cực lạc sau khi chết như tôn giáo vẫn khẳng định mà hạnh phúc trên cõi đời này và trong ngày hôm nay.
Mỗi sáng dậy ta lại bắt tay nhau Trong phút giây ta quên mọi khổ đau Ta khoan khoái thở khí trời buổi sáng Ngực đầy căng ta sung sướng thở phào. * * * Tôi chẳng mong sung sướng ở “sau này” Tôi chỉ cần có rượu uống “hôm nay” Tôi chẳng tin vào chuyện đời vay trả Có khác gì tiếng trống gõ vào tai.
Cuộc đời người ngắn ngủi. Cái chết không ai tránh khỏi. Đôi khi Khayyam cảm thấy sự vô nghĩa của cuộc đời này. Nhưng Khayyam không tin vào cuộc đời ở thế giới bên kia mà chỉ mong nhận hết những gì có thể ở cuộc đời này.
Tôi hỏi già về thế giới bên kia Trong góc nhà đang uống rượu say sưa. “Cứ uống đi! Tới đó còn xa lắm Những kẻ ra đi chưa thấy ai về”. * * * Gương mặt dịu dàng và hoa cỏ xanh tươi Tôi vẫn ham mê một khi còn sống trên đời. Tôi đã, đang và có lẽ vẫn còn uống rượu Uống đến giây phút cuối cùng của cuộc đời tôi.
Không tin vào thiên đàng ở trên trời Khayyam vẽ ra thiên đàng dưới mặt đất. Đó là bãi cỏ xanh bên bờ suối, là buổi chiều tà, là gương mặt dịu dàng của người tình cùng chén rượu, là khi mà không còn phân biệt được được màu môi của người tình hay hay màu của rượu hồng hơn, say người tình hay rượu say hơn.
Suối róc rách và hoa cỏ ngát hương Có khác chi phong cảnh chốn thiên đường Muốn bao nhiêu hãy nằm lăn trên cỏ Uống rượu nồng, âu yếm với người thương. * * * Rượu, người đẹp, ngồi trong vườn hoa tươi Thiên đàng đâu cũng chẳng cần nữa rồi. Không ai thấy thiên đàng trên trời cả Đành tạm bằng lòng dưới mặt đất thôi.
Hoặc cảnh sum vầy quanh bạn bè, bên chén rượu, đêm trăng
Bên nhau vui vẻ dưới trăng này Rượu nồng xin hãy uống cho say Mai mốt ta về thân cát bụi Trăng vàng muôn thuở vẫn còn đây * * * Em yêu ơi ai biết được ngày mai Ta hãy quên phiền muộn dưới trăng này Uống đi em kẻo một ngày nào đó Trăng lại về còn ta đã xa bay.
Nhưng rồi cũng có lúc ta thấy chỉ còn lại một mình Khayyam và rượu – người bạn hiền duy nhất không bao giờ từ giã Khayyam.
Hãy cho tôi một bình rượu thật đầy Cô bán hàng cứ rót, chớ dừng tay. Giờ chỉ rượu người bạn hiền duy nhất Cả bạn và tình đều đã đổi thay. * * * Chẳng còn người ta có thể giãi bày Chỉ còn rượu cho ta những cơn say Đừng rời tay khỏi chiếc quai bình rượu Nếu tuổi già không còn ai để bắt tay.
Trong thơ Khayyam ta bắt gặp thật nhiều bài ca ngợi rượu. Hình tượng rượu trong thơ ông có rất nhiều nghĩa, nhiều cách giải thích. Những bài sau đây có nghĩa thông thường.
Kẻ hành khất uống rượu ngỡ ông hoàng Cáo uống rượu thành sư tử hiên ngang Già uống vào thành trẻ vô tư lự Trẻ uống vào thành chín chắn, khôn ngoan. * * * Cuộc đời ta đầy thất vọng, chán chường Chỉ còn rượu ta quí trọng, yêu thương Rượu – máu của đời, đời là bể khổ Nên ta ngồi uống nước mắt quê hương.
Rượu trong thơ Khayyam là hình tượng thi ca dùng để thể hiện, khẳng định mình. Rượu là tượng trưng cho hạnh phúc của con người, là sự phản kháng đối với những cấm đoán khắt khe của tôn giáo, ca ngợi tự do của con người. Khayyam không đồng tình với học thuyết Hồi giáo về thiên đàng: nếu ngoan đạo là phải từ chối những lạc thú ở đời này để sau khi chết sẽ được lên thiên đàng có tiên, có rượu, có suối mát, có mật ngọt chảy thành sông và một cuộc sống hạnh phúc đời đời. Còn logíc của Khayyam là tại sao trên đời này cũng có người đẹp, có rượu, có thơ, có nhạc, có buổi chiều tà, có suối róc rách và chim hót trên cành thì không hưởng đi mà phải đợi đến sau khi chết.
Nghe nói rằng sẽ có rượu và tiên Và bao nhiêu sung sướng ở thiên đường Nhưng đời này ngươi không tình, không rượu Chỉ đợi chờ chẳng lẽ thế là khôn? * * * “Lên thiên đàng sẽ được uống rượu nồng Có tiên hầu, được sung sướng, thong dong…” Nhưng dưới này tôi vẫn em, vẫn rượu Suy cho cùng là những thứ đời mong.
Khayyam không hoàn toàn phủ nhận sự hiện diện của thiên đàng mà thường nói “chắc gì” nhưng theo Khayyam con người phải là sự kết hợp của hồn và xác. Nếu có thiên đàng thì chỉ cho “hồn” còn “xác” vĩnh viễn nằm lại trên mặt đất, trở thành đất cát cho người đời sau đem đóng gạch xây nhà hoặc cho thợ gốm đem nặn thành bình, thành chén.
Ý tưởng về sự vĩnh cửu của vật chất (theo quan niệm thời đó) trong thơ Khayyam được thể hiện qua đề tài thợ gốm và nghề làm gốm. Con người từ cát bụi mà ra sau khi chết lại trở về cát bụi. Từ cát bụi (đất cát) có thể được làm thành gạch hoặc thành bình đựng rượu hoặc cũng có thể từ cát bụi mọc lên cây cỏ, hoa lá…
Có một lần tôi mua chiếc bình nói được “Xưa ta là ông hoàng – bình nức nở khóc – Trở thành đất người thợ gốm nặn ta Thành thứ đồ mua vui cho kẻ khác. * * * Ngươi biết không từng chiếc lá, bông hoa Từng một thời là tóc của người xưa Ai qua đường hãy thương từng chiếc lá Bởi hoa lá từ người đẹp sinh ra.
Đọc thơ Khayyam ta cảm nhận được cái băn khoăn của một con người trí tuệ trước những câu hỏi muôn thuở. Những bài thơ này có lẽ được viết ra trong những năm cuối của cuộc đời ông. Khayyam nêu ra những câu hỏi với loài người: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? Trong cuộc đời ngắn ngủi đâu là ý nghĩa của đời ta? Và ông đi đến những kết luận thật bi quan.
Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? Ý nghĩa cuộc đời đành chịu vò đầu Bao nhiêu hồn dưới vòng xoay con tạo Cháy thành tro, thành bụi, khói ở đâu? * * * Tôi đến đây đời giàu lên có phải? Tôi ra đi đời có gì thiệt hại? Có ai người giải thích vì sao tôi Từ cát bụi lại trở về cát bụi?
Một khía cạnh khác là triết lý về sự hoài nghi của Omar Khayyam. Nhà toán học, nhà triết học có những ý tưởng vượt xa thời đại của mình. Nhà bác học từng phát minh ra cốt lõi của nhị thức Newton, nhà thiên văn lập ra lịch có độ chính xác cao hơn lịch của người thế kỷ 21 đang sử dụng đã tỏ ra là kẻ hoài nghi về khả năng nhận thức những qui luật của tồn tại.
Khi còn nhỏ đến thầy tìm chân lý Rồi lớn lên về gõ đầu con trẻ. Chân lý ở đâu? Ta từ nước mà ra Rồi thành gió. Đấy, chuyện đời là thế. * * * Sau cánh cửa kia còn giấu điều gì Ta đoán mò, ta lạc giữa u mê Chỉ sau khi cánh cửa đời đã khép Mới biết rằng ta đã lộn đường đi.
Thế giới quan của Omar Khayyam rất phức tạp và huyền bí mà phạm vi bài viết này không thể đề cập hết. Chúng tôi xin trích một đoạn hội thoại giữa Khayyam với cô người tình trong một cuốn truyện về ông mà theo chúng tôi đã thể hiện đầy đủ về cái nhìn của ông đối với cuộc đời.
“- Thưa ông, trà đã chuẩn bị xong và món ăn mà ông thích: bánh và mật.
- Thế con có nhớ không, có lần ta đã bảo con rồi, tốt hơn trà là rượu…
- Vâng, và tốt hơn rượu là phụ nữ, còn tốt hơn phụ nữ là chân lý.
- Ừ, ta đã từng nói vậy. Nhưng hôm nay ta đi dạo trong vườn chợt hiểu ra rằng: tất cả đều nhảm nhí, vớ vẩn hết. Tất cả mọi thứ trên đời đều có khối lượng, trọng lượng, thể tích và thời gian tồn tại nhưng không có thước đo của một thứ – chân lý. Điều mà hôm qua tưởng đã đúng rành rành thì hôm nay lại hoá thành sai. Điều mà hôm nay người ta cho rằng giả dối thì ngày mai em trai con sẽ học trong nhà trường. Không phải lúc nào thời gian cũng là thước đo mọi khái niệm. Ta đã từng nghe bao nhiêu lời đồn đại của người đời về ta. Khayyam – người chứng minh chân lý, Khayyam – người keo kiệt, Khayyam – nghiện rượu, Khayyam – mê gái, Khayyam – vô thần, Khayyam – thần thánh… Thế mà ta chỉ là ta.
- Thế còn con thì sao, thưa ông?
- Con tốt hơn rượu và quan trọng hơn chân lý. Từ lâu ta đã muốn cho con tiền để mua cái dây chuyền vàng có đeo một cái chuông nhỏ để khi con đang đi từ xa ta đã biết rằng con đang đi đến”.
* * *
Trong thơ Khayyam người đẹp, rượu, hoa cỏ, thiên nhiên dưới mặt đất đối trọng với tiên nữ, rượu, vườn hoa, suối mật trên thiên đàng, kẻ hoài nghi với người tin vào giáo điều mù quáng, lòng chân thành với sự giả dối, cuộc sống với cái chết, thực tại với hư vô.
Như đã nói ở phần đầu, Omar Khayyam có một vị trí đặc biệt trong các nhà thơ cổ phương Đông. Có thể ông không phải là nhà thơ lớn nhất (mà người viết cũng không hề có ý định xếp hạng) nhưng có thể nói rằng Khayyam là nhà thơ độc đáo nhất, không giống một nhà thơ nào khác trong khi ông lại mang những nét chung nhất của mọi con người.
* * * Bạn từ nghèo hèn trở nên giàu có Nhưng bạn trở nên giàu có quá nhanh Và bạn đừng quên, để không cào bằng Giàu không vĩnh hằng, khó thì vĩnh cửu. * * * Một người không hiểu mùi của hoa hồng Một người không hiểu mùi của mật ong. Cho ai đó một đồng – người ta nhớ mãi Cho ai đó cuộc đời – người lại quên nhanh. * * * Ai bị đời vùi dập, sẽ đạt được nhiều hơn Ai ăn hết hũ muối, sẽ càng quí mật ong Ai rơi nước mắt nhiều, càng biết cười trung thực Nhận ra cuộc đời chỉ trong phút lâm chung.